Các hạm đội tiền-dreadnought và các trận chiến Thiết_giáp_hạm_tiền-dreadnought

Thiết giáp hạm Nga Retvizan bị đánh chìm tại cảng Lữ Thuận.

Vào thời hoàng kim của nó, thiết giáp hạm tiền-dreadnought là hạt nhân của một hạm đội rất đa tạp. Nhiều tàu chiến bọc sắt cũ hơn vẫn còn được sử dụng. Thiết giáp hạm phục vụ đồng thời với các tàu tuần dương theo những cấu trúc khác nhau: tàu tuần dương bọc thép hiện đại vốn là những thiết giáp hạm thu nhỏ, tàu tuần dương bảo vệ nhẹ hơn, và ngay cả tàu tuần dương cũ không bọc thép, tàu xà-lúp và tàu frigate được đóng bằng thép, sắt hay gỗ. Thiết giáp hạm gặp phải mối đe dọa từ các tàu phóng lôi; chính trong thời đại tiền-dreadnought này mà những chiếc tàu khu trục đầu tiên được chế tạo để đối phó với mối đe dọa của tàu phóng lôi, và cùng lúc đó những chiếc tàu ngầm hiệu quả đầu tiên cũng được chế tạo.[31]

Thời đại của tiền-dreadnought bắt đầu vào cuối thế kỷ 19 chứng kiến sự cân bằng của các thế lực hải quân trên thế giới, khi Pháp và Nga cạnh tranh với Hải quân Hoàng gia Anh Quốc hùng mạnh, cũng như việc bắt đầu nổi lên các thế lực hải quân mới của Đức, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Những tàu chiến mới của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, cũng như của Hải quân Hoa Kỳ trong một chừng mực nhỏ hơn, hỗ trợ cho chính sách bành trướng thuộc địa của các cường quốc này.

Trong khi thiết giáp hạm tiền-dreadnought được sử dụng khắp thế giới, không có trận đụng độ nào giữa chúng thực sự diễn ra cho đến cuối giai đoạn thống trị của kiểu tàu này. Cuộc Chiến tranh Thanh-Nhật năm 18941895 có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của tiền-dreadnought, nhưng là một cuộc đối đầu giữa thiết giáp hạm Trung Quốc và tàu tuần dương Nhật Bản.[32][33] Chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ năm 1898 cũng là một cặp không tương xứng khi hạm đội tiền-dreadnought Hoa Kỳ chiến đấu với tàu tuần dương Tây Ban Nha. Chỉ cho đến cuộc Chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905 mới chứng kiến các thiết giáp hạm tiền-dreadnought đối đầu nhau trong mối tương quan cân bằng. Việc này đã xảy ra trong ba trận đánh: thắng lợi chiến thuật của Nhật trong Hải chiến cảng Lữ Thuận ngày 89 tháng 2 năm 1904,[34] Hải chiến Hoàng Hải không mang tính quyết định ngày 10 tháng 8 năm 1904, và thắng lợi quyết định của Nhật trong trận Tsushima ngày 27 tháng 5 năm 1905.

Chính sách ngoại giao Pháo hạm thường được thực hiện bởi tàu tuần dương hay tàu chiến nhỏ hơn. Một hải đội Anh Quốc bao gồm ba tàu tuần dương bảo vệ và hai pháo hạm được gửi đến trong vụ chiếm đóng Zanzibar năm 1896; và trong khi thiết giáp hạm tham gia vào việc bố trí hạm đội phối hợp của các cường quốc Phương Tây trong sự kiện nổi dậy Nghĩa Hòa Đoàn, hoạt động hải quân trong vụ can thiệp này chỉ được thực hiện bởi pháo hạm, tàu khu trục và tàu xà-lúp.[35]

Châu Âu

Thiết giáp hạm Pháp Justice đang chạy hết tốc độ.

Hải quân các nước châu Âu tiếp tục thống trị trong thời đại tiền-dreadnought, và Hải quân Hoàng gia Anh Quốc vẫn là hải quân mạnh nhất thế giới, cho dù những nước cạnh tranh truyền thống với Anh cùng những thế lực hải quân mới tại châu Âu luôn muốn khẳng định mình trước ưu thế đó.

HMS Dominion thuộc lớp King Edward VII được hạ thủy vào cuối thời đại tiền-dreadnought, vào năm 1903.

Vào năm 1889, Anh Quốc chính thức áp dụng chính sách "Tiêu chuẩn Hai thế lực", xây dựng lực lượng thiết giáp hạm vượt trội hơn hai lực lượng hải quân lớn nhất tiếp theo sau phối hợp lại; vào lúc đó có nghĩa là Pháp và Nga, vốn đã chính thức liên minh với nhau vào đầu thập niên 1890.[36] Các lớp Royal SovereignMajestic được nối tiếp bằng một chương trình chế tạo thường xuyên với một nhịp độ nhanh hơn nhiều so với những năm trước đó. Các lớp Canopus, Formidable, DuncanKing Edward VII nhanh chóng xuất hiện nối tiếp nhau trong giai đoạn 1897-1905.[37] Nếu tính cả hai chiếc do Chile đặt hàng nhưng bị Anh trưng dụng, Hải quân Hoàng gia có 39 chiếc tiền-dreadnought đã sẵn sàng hoặc đang được chế tạo vào năm 1904, tính từ lớp Majestic, chưa kể hơn hai tá tàu chiến cũ còn đang phục vụ. Thiết giáp hạm tiền-dreadnought Anh Quốc cuối cùng, lớp Lord Nelson, xuất hiện thậm chí sau cả chính Dreadnought.

Pháp, đối thủ truyền thống của Anh, đã tạm ngừng chương trình đóng thiết giáp hạm trong những năm 1880 do ảnh hưởng bởi học thuyết của trường phái Jeune École, vốn ưa chuộng tàu phóng lôi hơn là thiết giáp hạm. Sau khi tầm ảnh hưởng của Jeune École phai nhạt dần, thiết giáp hạm Pháp đầu tiên là Brennus được đặt lườn vào năm 1889. Brennus và những con tàu tiếp theo là những chiếc đơn lẻ, trái ngược với những lớp lớn tàu chiến Anh. Chúng cũng có cách sắp xếp dàn pháo chính mang tính cá biệt, khi Brennus có ba khẩu pháo 340 mm (13,4 inch) còn những chiếc sau đó lại có hai pháo 305 mm (12 inch) và hai pháo 274 mm (10,8 inch) bố trí trên những tháp pháo đơn. Lớp Charlemagne đặt lườn trong những năm 18941896 mới là những chiếc đầu tiên có cách sắp xếp pháo hạng nặng tiêu chuẩn bốn khẩu 305 mm (12 inch).[38] Trường phái Jeune École tiếp tục duy trì một ảnh hưởng lớn trong chiến lược của Hải quân Pháp, và cho đến cuối thế kỷ 19 Pháp từ bỏ sự cạnh tranh về số lượng thiết giáp hạm đối với Anh.[39] Pháp cũng là nước chịu ảnh hưởng nặng nhất của cuộc cách mạng Dreadnought, khi bốn chiếc thuộc lớp Liberté còn đang được chế tạo vào lúc mà Dreadnought được hạ thủy, và thêm sáu chiếc lớp Danton được bắt đầu sau đó.

Sơ đồ cắt ngang của lớp thiết giáp hạm Wittelsbach tiền-dreadnought của Đức, khoảng năm 1914.

Đế quốc Đức chỉ vừa mới bắt đầu xây dựng hải quân vào đầu những năm 1890, nhưng đến năm 1905 đã toàn tâm toàn ý bước vào cuộc chạy đua vũ trang với Anh, mà hậu quả cuối cùng là một trong những nguyên nhân làm nổ ra Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Những chiếc tiền-dreadnought đầu tiên của Đức, lớp Brandenburg, được đặt lườn vào năm 1890. Đến năm 1905, có thêm 19 thiết giáp hạm đã hoặc đang được chế tạo, nhờ sự gia tăng đột ngột chi tiêu dành cho hải quân quy định trong các đạo luật Hải quân năm 18981900.[40] Sự gia tăng này là nhờ vào tính quả quyết của Tư lệnh Hải quân Alfred von Tirpitz, và sự gia tăng ý thức ganh đua với Anh Quốc. Ngoài lớp Brandenburg, thiết giáp hạm tiền-dreadnought của Đức còn bao gồm các lớp Kaiser Friedrich III, WittelsbachBraunschweig – lên đến cực điểm là lớp Deutschland vốn đã phục vụ trong cả hai cuộc thế chiến. Về tổng quát, tàu chiến Đức có hỏa lực không mạnh bằng đối thủ Anh đương thời nhưng có sức chịu tương đương.[41]

Lớp thiết giáp hạm Radetzky tiền-dreadnought của Hải quân Áo-Hung.

Nga cũng bắt đầu một chương trình phát triển hải quân trong những năm 1890; một trong những mục tiêu chính của Nga là duy trì những quyền lợi của họ trước sự bành trướng của Nhật Bản tại Viễn Đông. Lớp Petropavlovsk được bắt đầu vào năm 1892 nối gót theo thiết kế của lớp Royal Sovereign của Anh; trong khi những chiếc sau đó thể hiện ảnh hưởng của Pháp trong thiết kế, như là lớp Borodino. Sự yếu kém trong công nghiệp đóng tàu của Nga khiến cho nhiều chiếc phải được chế tạo ở nước ngoài; chiếc tốt nhất Retvizan, được chế tạo phần lớn tại Mỹ.[42] Chiến tranh Nga-Nhật năm 19041905 là một thảm họa thực sự cho Nga; trong số 15 chiếc tiền-dreadnought được hoàn tất kể từ Petropavlovsk, mười một chiếc đã bị đánh chìm hoặc chiếm giữ trong cuộc chiến. Một trong số đó, chiến hạm Potemkin nổi tiếng, đã làm binh biến và bị đánh chìm, nhưng sau đó được cho nổi trở lên và đưa vào hoạt động trở lại. Sau chiến tranh, Nga còn hoàn tất thêm được bốn chiếc tiền-dreadnought sau năm 1905.

Trong giai đoạn 1893-1904, Ý đặt lườn tám thiết giáp hạm; hai lớp cuối cùng trong số chúng nhanh đáng kể, cho dù lớp Regina Margherita được bảo vệ kém và lớp Regina Elena trang bị vũ khí nhẹ. Một cách nào đó, những chiếc này báo trước cho khái niệm tàu chiến-tuần dương.[43] Đế quốc Áo-Hung cũng chứng kiến một sự phục hưng về hải quân trong những năm 1890, mặc dù trong số chín thiết giáp hạm tiền-dreadnought được đặt hàng, chỉ có ba chiếc lớp Habsburg ra đời trước khi bị Dreadnought biến thành lạc hậu.

Hoa Kỳ và khu vực Thái Bình Dương

USS Massachusetts, một thiết giáp hạm tiền-dreadnought được hạ thủy vào năm 1893.

Hoa Kỳ bắt đầu đóng thiết giáp hạm đầu tiên của họ vào năm 1891. Những chiếc này về thực chất là những tàu phòng vệ duyên hải tầm ngắn tương tự như chiếcHood của Anh, ngoại trừ một dàn pháo trung gian gồm các khẩu pháo 203 mm (8 inch) mang tính sáng tạo. Hải quân Mỹ tiếp tục chế tạo những con tàu có tầm hoạt động tương đối ngắn và khả năng đi biển kém, cho đến khi lớp Virginia được đặt lườn vào năm 19011902.[17] Dù sao, chính những tàu chiến đời đầu này đã đảm bảo ưu thế của hải quân của Mỹ chống lại hạm đội Tây Ban Nha cũ kỹ, vốn không có thiết giáp hạm, trong cuộc Chiến tranh Tây Ban Nha-Hoa Kỳ, nhất là trong trận Santiago de Cuba. Virginia cùng hai lớp tiền-dreadnought tiếp theo sau được hoàn tất sau khi Dreadnought được hạ thủy và sau khi công việc thiết kế được bắt đầu cho lớp dreadnought đầu tiên cho chính Hải quân Mỹ. Hạm đội Great White Hoa Kỳ bao gồm 16 thiết giáp hạm tiền-dreadnought đã đi vòng quanh thế giới từ ngày 16 tháng 12 năm 1907 đến ngày 22 tháng 2 năm 1909.[44]

Đô đốc Tōgō Heihachirō trên cầu tàu thiết giáp hạm Mikasa ngay trước trận Tsushima.

Nhật Bản đã can dự trong cả hai cuộc hải chiến lớn trong thời đại tiền-dreadnought. Những chiếc tiền-dreadnought Nhật Bản đầu tiên, lớp Fuji, vẫn còn đang được chế tạo vào lúc nổ ra Chiến tranh Thanh-Nhật năm 18941895,[45] trong đó tàu tuần dương bọc théptàu tuần dương bảo vệ Nhật Bản đã đánh bại Hạm đội Bắc Dương Trung Quốc, chỉ bao gồm một hỗn hợp tàu chiến bọc sắt cũ và tàu tuần dương, trong trận sông Áp Lục. Sau chiến thắng này, và phải đối mặt với áp lực của Nga trong khu vực, người Nhật đặt hàng thêm bốn thiết giáp hạm tiền-dreadnought. Cùng với hai chiếc thuộc lớp Fuji, những tàu chiến này đã hình thành nên hạt nhân của hạm đội, mà sau này sẽ hai lần đối đầu với các hạm đội Nga có ưu thế hơn hẳn về số lượng trong Hải chiến Hoàng Hảitrận Tsushima. Sau khi chiếm được tám thiết giáp hạm Nga thuộc nhiều đời khác nhau, Nhật còn chế tạo thêm nhiều lớp tiền-dreadnought sau Chiến tranh Nga-Nhật.

Liên quan